ĐAU TRƯỚC GỐI Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN

CDHA

Administrator
EtyZEr3W8rstxxGz3VqWjochWDSI1GNuSEBi8d-aVwVYswpZZ0XvuCF0RcKJHmx5BhjGkvtweSKxbPDhXiQ5o_6HLNror3SC5IOjb1BMxVPTu0g5in5xt2II7-EMTQ0VJ1ScV7n3XA=w650-h595-no


Chủ đề của bài này tập trung vào những cơn đau ở phía trước gối. Những điểm đau khác nằm ở phần trên xương cẳng chân, ngay dưới bánh chè, là một bệnh lý khác và được bàn luận ở bệnh Osgood-Schlatter (đau gối).

Trẻ em và vị thành niên nằm trong nhóm đối tượng năng động và thường hay tham gia vào các môn thể thao nên thỉnh thoảng sẽ gặp phải những điểm đau ở trước gối, thường cảm nhận được cơn đau ở ngay sau xương bánh chè (patella). Bệnh lý này – được gọi là đau trước gối ở tuổi vị thành niên – thường xảy ra ở những vận động viên trẻ, đặc biệt là nữ.

GIẢI PHẪU
Khớp gối là khớp lớn nhất và khỏe nhất của cơ thể. Khớp này được tạo bởi phần dưới của xương đùi, phần đầu trên xương chày (cẳng chân) và xương bánh chè (đầu gối). Đầu tận cùng của xương, nơi mà các xương tiếp xúc với nhau, được bảo phủ một lớp sụn khớp, và một chất nhờn trơn trượt nhằm mục đích bảo vệ xương khi chúng ta gấp và duỗi gối.

Dây chằng và gân góp phần nối phần dưới xương đùi với phần đầu trên xương chày (cẳng chân). Có bốn dây chằng của gối bám vào các xương liên quan, đóng vai trò như dây thừng để giữ cho gối ổn định.

Cơ được đính vào xương thông qua gân. Cơ tứ đầu đùi có vai trò nối phần cơ ở mặt trước đùi vào đầu gối. Gân giúp chúng ta duỗi gối được gọi là gân bánh chè.

NGUYÊN NHÂN
Trong một số trường hợp, nguyên nhân thực sự của bệnh đau trước gối có thể không rõ ràng. Cấu trúc phức tạp của khớp gối cho phép chúng ta gấp gối trong khi đang chịu một trọng lượng đáng kể, và khớp này cũng nhạy cảm với các hoạt động thường ngày, tập luyện, và chơi thể thao quá độ.

Ví dụ, yếu cơ ở vùng đùi trước có thể gây nên đau đầu gối. Khi chúng ta gấp và duỗi gối, thì cơ ở vùng đùi trước có vai trò giúp cho đầu gối hoạt động đúng trục. Yếu cơ ở vùng đùi trước có thể làm cho trục này bị thay đổi. Điều này có thể khiến cho gân bánh chè chịu nhiều lực stress hơn bình thường (có thể dẫn đến viêm gân), hoặc gây tổn thương phần sụn khớp ở phía trong gối (gây nên nhuyễn sụn xương bánh chè).

Các yếu tố sau đây có thể góp phần vào cơn đau đầu gối ở tuổi vị thành niên:
- Mất cân đối các cơ ở vùng đùi (đùi trước và đùi sau, cụ thể là cơ Hamstring và cơ tứ đầu đùi)
- Cơ vùng đùi trước và cơ vùng đùi sau quá chắc
- Trục từ khớp háng đến khớp cổ chân bị lệch
- Tập luyện với các dụng cụ thể dục thể thao không thích hợp
- Đổi giày hoặc thay đổi sân tập luyện đột ngột
- Tập luyện quá độ, hoặc thay đổi hình thức tập luyện

TRIỆU CHỨNG
Triệu chứng thường gặp của bệnh là đau nhức mơ hồ ở đầu gối tăng dần và xảy ra sau khi hoạt động thể thao quá độ. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Có tiếng răng rắc ở gối khi đi lên và xuống cầu thang và khi đi lại sau một thời gian ngồi bất động lâu.
- Đau vào ban đêm
- Đau khi làm các hoạt động lặp đi lặp lại ở đầu gối (nhảy, squat, chạy, hoặc các động tác cử tạ khác)
- Đau khi thay đổi cường độ luyện tập, bề mặt sân luyện tập, hoặc dụng cụ tập luyện
Đau đầu gối ở tuổi vị thành niên thường không gây sưng đầu gối. Các triệu chứng như khớp kêu răng rắc, kẹt khớp, hoặc lỏng khớp thường không phổ biến. Các triệu chứng này thường gợi ý đến các nguyên nhân cơ học ở đầu gối và thường là lí do khiến bệnh nhân đến gặp bác sĩ.

KHÁM BÁC SĨ
Nếu như cơn đau không chấm dứt và ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày, bệnh nhân sẽ đến gặp bác sĩ.

Khám
Bác sĩ sẽ khám khớp gối của bệnh nhân để xác định cơn đau xuất phát từ trong đầu gối và loại bỏ đi các bệnh khác của gối. Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân đứng, đi lại, nhảy, squat, ngồi và nằm xuống.

Trong quá trình khám bênh, bác sĩ có thể kiểm tra:
- Trục của cẳng chân và vị trí của đầu gối
- Độ vững của gối, độ xoay của khớp háng, và biên độ vận động của gối và háng
- Kiểm tra đầu gối để tìm các dấu hiệu phù nề
- Kiểm tra điểm bám tận của cơ đùi vào đầu gối
- Độ khỏe, độ linh hoạt, độ chắc, và chu vi của cơ vùng đùi trước (cơ tứ đầu) và cơ vùng đùi sau (cơ hamstring)
- Độ chắc của gân gót và độ linh hoạt của bàn chân

Các xét nghiệm
Xquang: Một số xquang ở những tư thế đặc biệt sẽ giúp cho bác sĩ tìm ra các nguyên nhân gây bệnh hoặc vị trí của đầu gối. Bác sĩ có thể yêu cầu chụp cả hai chân để có thể so sánh đối chiếu.
MRI: Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ quan sát được tình trạng mô mềm xung quanh gối. Nếu như bệnh nhân không có các triệu chứng như kẹt khớp, thì MRI sẽ không cần phải chỉ định. Tuy nhiên, nếu triệu chứng vẫn còn dai dẳng và không cải thiện sau điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu MRI vào những lần khám tiếp theo. Xét nghiệm này có thể giúp cho bác sĩ phát hiện được các vấn đề bên trong gối như tổn thương dây chằng hoặc sụn.

ĐIỀU TRỊ
Một số thay đổi nhỏ có thể giúp bạn làm giảm cơn đau trước gối.
Thay đổi hoạt động
Dừng các hoạt động thể thao mà khiến bạn đau đớn cho tới khi cơn đau dứt hẳn. Việc này có thể gây ảnh hưởng đến lịch trình luyện tập của bạn. Có thể chuyển sang hình thức luyện tập với cường độ nhẹ hơn trong giai đoạn này. Nếu bạn thừa cân, nên giảm cân để giảm bớt lực nén lên khớp gối.

Cơn đau gối có thể liên quan đến kĩ thuật tập luyện. Huấn luyện viên ở trường có thể giúp bạn đánh giá và cải thiện kĩ thuật – như chỉ cách bạn đáp chân xuống sau khi nhảy cao hoặc chỉ cách xuất phát đường chạy đúng cách.

Tập vật lý trị liệu
Các bài tập chuyên biệt sẽ giúp bạn cải thiện biên độ vận động, sức cơ, và sức bền. Đặc biệt là tập trung vào các bài tập sức cơ, căng cơ vùng trước đùi, cơ này góp phần làm vững gối. Bác sĩ có thể hướng dẫn một số hoặc có thể yêu cầu bạn gặp bác sĩ phục hồi chức năng để có thể thiết kế các bài tập chuyên biệt để cải thiện độ linh hoạt và độ khỏe của cơ vùng đùi.

BS. NGUYỄN TIẾN LỘC

https://www.facebook.com/phauthuatnoisoi/posts/2455462014674621?__tn__=H-R
 
Top