NGUYỄN TRẦN SÂM – Trò chơi, ôi những trò chơi…

cuocsongtoiyeu

Administrator
Staff member
Trên đời, có lẽ thích nhất là những trò chơi. Và đáng sợ nhất cũng là những trò chơi.

Cuộc sống trần gian được một tôn giáo có xuất xứ từ Ấn Độ gọi là “lila”, có nghĩa là trò chơi. Thượng Đế sinh ra loài người, rồi bày ra những trò chơi với họ. Và chính những con người cũng bày ra những trò để mình chơi. “Trò chơi là trời cho”. Vậy, hãy cứ chơi, cho đúng bản chất con người mà Thượng Đế sinh ra.

Nhưng nhìn vào những trò chơi mà các nhóm người trong xã hội đang chơi hiện nay, nhiều khi thấy hãi hùng…

*
Trước hết là những trò “ghêm” (games). Game vốn chỉ có nghĩa là trò chơi, nhưng khi người Việt nói “ghêm” thì ngụ ý trò chơi điện tử trên máy tính, có thể là “ghêm on lai”. Hàng trăm hàng ngàn thanh thiếu niên ngồi lì nhiều giờ liền, thậm chí nhiều ngày liền, trong những quán chơi ghêm. Những thanh thiếu niên này bỏ học, bỏ làm, quên cả cha mẹ, anh chị em, thậm chí quên ăn, quên uống. Đã có trường hợp chết gục tại chỗ vì trụy tim mạch.
Vậy những trò chơi ghêm này có gì hấp dẫn ghê gớm đến vậy? Đương nhiên là chúng có khía cạnh hấp dẫn, lôi cuốn của chúng mà chỉ người chơi mới biết. Người không chơi không thể nào hình dung ra nổi chúng hấp dẫn thế nào.

Tôi không phải người chơi ghêm, chưa bao giờ chơi và chắc chắn sẽ không bao giờ chơi, nên tôi không thể biết sự hấp dẫn, lôi cuốn của chúng. Tuy nhiên, tôi biết chắc rằng sự hấp dẫn của chúng nằm ở việc phải xử lý những tình huống khó, nghĩa là phải dùng đến trí thông minh. Kẻ chơi ghêm giỏi chắc chắn phải có trí thông minh sắc sảo và được rèn luyện thường xuyên, liên tục. Và một khi gặp những tình huống rất khó, kẻ giải quyết được tình huống sẽ thấy đầy khoái trá, cái khoái trá của người chiến thắng!

Thế đấy! Chơi ghêm là rèn luyện trí thông minh. Mà rèn luyện trí thông minh là một trong những việc quan trọng nhất trên đời.

Vậy việc chơi ghêm là tốt, và những kẻ chơi ghêm là đáng kính? Và những người sáng tạo ra ghêm càng đáng kính hơn nữa?

Xin thưa, đây lại là những câu hỏi khác. Đã thông minh sắc sảo thì chắc chắn đáng phục ở góc độ nào đó. Nhưng nói đáng kính thì chưa hẳn đúng. Người đáng kính không thể sống bám người khác và ngồi lì tìm cái thú chỉ cho một mình mình. Hơn nữa, nếu anh biết rằng chỉ người chơi ghêm mới thấy cái hay của ghêm, vậy anh đã biết hay chưa, rằng người làm việc khác cũng sẽ thấy được cái hấp dẫn của việc khác, mà anh không làm thì không biết được? Mà việc khác có thể làm anh không phải sống bám người khác, thậm chí đem lại lợi ích cho cả những người khác nữa.
*
Bây giờ gãy thử để ý đến một dạng hoạt động khác: hoạt động của những người làm toán chuyên nghiệp. Ai cũng biết rằng không thể có khoa học và công nghệ nếu không có toán học. Chỉ cần học hết bậc phổ thông cũng đã có thể thấy rõ điều này. Ngoài ra, khi học phổ thông thì ai cũng đã từng được đọc hoặc nghe kể về những tấm gương về sự đam mê và hy sinh và của những nhà bác học, trong đó có những nhà toán học. Và tôi cũng thế, trong hơn nửa thế kỷ từ khi làm học trò cho đến lúc về hưu, tôi luôn mang trong mình một tình yêu và sự kính trọng vô biên đối với các nhà toán học.

Mặc dù không có diễm phúc được quen biết một nhà toán học hàng đầu thế giới nào, nhưng dù sao tôi cũng tự hào vì giữ được quan hệ rất thân đến tận hôm nay với một người cũng là nhà toán học tầm cỡ quốc tế. Phải, đó là một người bạn học thời phổ thông của tôi, một giáo sư toán nổi tiếng có cỡ trăm công trình đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có chỉ số uy tín cao và liên tục được các viện nghiên cứu và các trường đại học Âu-Mỹ mời thỉnh giảng hoặc hợp tác nghiên cứu. Và tôi đã thật sự sửng sốt khi trong một lần tâm sự gần đây, anh bạn tôi đã nói: “Đừng nghĩ bọn mình đang làm gì đó to tát lắm. Thực ra nó cũng chỉ giống như trò chơi ghêm thôi. Trong bọn mình, có những người còn nói “Bọn làm toán chúng ta là những kẻ tự sướng”.”

Ban đầu, tôi không để ý lắm vì nghĩ anh bạn nói đùa. Nhưng sau vài phút trầm ngâm, anh bạn tôi nói tiếp: “Vài năm gần đây, mình bắt đầu tìm hiểu khá sâu về vài lĩnh vực khác, mới thấy mấy chục năm đi sâu, đi quá sâu, nghiên cứu quá cao về toán là vô lý. Hầu hết các công trình toán học của mấy chục năm gần đây là vô bổ…”
“Nhưng trong lịch sử cũng đã có những công trình từng được coi là vô bổ nhưng sau đó thì lại được ứng dụng…” Tôi nói.
“Đúng. Đôi khi có những trường hợp như thế, nhưng ít lắm. Trong hàng nghìn, thậm chí hàng chục, hàng trăm nghìn công trình đã đăng tải mấy chục năm qua thì may ra sẽ có một vài công trình có được số phận may mắn như vậy, còn nói chung là sẽ bị lãng quên vĩnh viễn.” Anh bạn tôi nói.
Im lặng một lúc, anh ta nói tiếp: “Những nghiên cứu toán thời bây giờ thực sự là nó quá cao và quá sâu, đòi hỏi trình độ mà mình nói thẳng là người ngoài không hình dung ra được. Thậm chí chính các đồng nghiệp làm toán với nhau cũng chẳng hiểu nhau, trừ một nhóm nhỏ cùng hướng nghiên cứu. Bây giờ ông thử hình dung: những nghiên cứu toán học mà chính giới toán học cũng không biết đến thì người ngoài biết đến nó làm cái quái gì? Cho nên bọn tôi bây giờ tự bảo nhau là tiếp tục làm toán chỉ vì không làm thì biết làm gì mà thôi… Thực sự là bọn mình đang chơi một thứ ghêm, rất khó và nghe rất oai oách, nhưng chẳng biết để làm gì.”
“Cứ cho là như vậy”, tôi nói. “Nhưng ít ra các ông cũng đang tạo ra cái đẹp…”
“Phải. Đúng là tạo ra cái đẹp. Cái đẹp cao cấp. Không có cái đó thì đúng là bọn mình không thể tiếp tục. Nhưng cái đẹp đó chỉ dành cho một nhóm nhỏ, công chúng không thưởng thức được, mà cũng chẳng nên cố công để biết thưởng thức. Cuộc sống còn nhiều vấn đề cấp thiết khác, và cũng có những thứ khác hấp dẫn không thua toán học. Tạo ra cái đẹp cũng tốt, nhưng ăn lương mà chỉ tạo ra cái đẹp cho mình thì… Nói thật là mình thấy băn khoăn.”
“Nhưng lương để nuôi các nhà toán học thì đáng kể gì so với bao nhiêu thứ chi phí khác?” Tôi nói.
“Phải. May mà như thế.” Bạn tôi nói.
*

Sau buổi nói chuyện với bạn tôi, tôi miên man nghĩ đến những trò chơi “cao cấp” khác.

Trong nghệ thuật, rõ nhất là trong hội họa, không biết bao nhiêu trường phái, bao nhiêu “chủ nghĩa” đã được lập ra. Hiện thực, siêu thực, ấn tượng, hậu ấn tượng, trừu tượng, cổ điển, lại còn “tân cổ điển”,… Người xem tranh muốn hiểu thì phải học. Học một lối suy luận. Lối suy luận này ngày càng được đẩy lên cao, cao đến mức các trường phái bạn cũng không còn cơ để hiểu, nói gì đến những kẻ ngu si ngoại đạo. Dù anh có là trí thức cỡ bự nhưng thuộc ngành khác, trường phái khác, thì trước các họa sỹ chuyên về một trường phái nào đó anh cũng chỉ là thằng ngố. Xem tranh không còn là để cảm thụ cái đẹp nữa. Xem tranh bây giờ là để suy luận, theo các quy tắc suy luận riêng cho các trường phái…

Thời trẻ, tôi đã từng tưởng rằng mình có năng khiếu hội họa. Đến khi tiếp xúc với hội họa hiện đại, tôi mới nhận ra đó là sai lầm. Tuy nhiên, vì không muốn làm một kẻ dốt nát về lĩnh vực này, tôi đã dụng công tìm hiểu. Nhưng càng tìm hiểu thì càng phát hiện ra mình không xâm nhập nổi vào lĩnh vực này. Và tôi bắt đầu mơ hồ cảm thấy đây cũng là những trò chơi cao cấp.
*
Nhưng trong tất cả các loại ghêm – ghêm trên máy tính, ghêm toán học, ghêm nghệ thuật,… không có loại ghêm nào đáng sợ bằng ghêm chính trị. Thứ này giống như “lila” – mỗi lãnh tụ là một “ông trời”. Họ đưa hàng triệu, thậm chí hàng tỉ người vào trò chơi, mỗi người giống như một con tốt trên bàn cờ. Hàng triệu người lao vào nhau, coi nhau là kẻ thù,… và người “chủ chơi” tìm mọi cách để đạt được sự khoái trá trong chiến thắng.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn không ngừng với đầy rẫy những trò chơi.

NGUYỄN TRẦN SÂM

link gốc: https://daohieu.wordpress.com/2015/05/11/nguyen-tran-sam-tro-choi-oi-nhung-tro-choi/
 
Top